Forum 12A9
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Ông giáo làng và vườn cò lớn nhất nước

2 posters

Go down

Ông giáo làng và vườn cò lớn nhất nước Empty Ông giáo làng và vườn cò lớn nhất nước

Bài gửi by anh.nguyen 2010-02-03, 21:36

Giữa màu xanh bạt ngàn cây cối của những quả đồi nối tiếp thuộc thôn Tân Phúc, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, có một khu vườn dường như không nhìn thấy màu xanh mỗi khi chiều về, mà chỉ toàn một màu trắng.

Đó là nơi cư trú của hơn 10.000 chú cò và khoảng 2.000-3.000 chú vạc suốt hơn 20 năm qua. Khu vườn đó của gia đình ông giáo về hưu Đặng Đình Quyển - gia đình có công bảo vệ vườn cò suốt từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay. Trong bối cảnh việc bảo vệ động vật hoang dã trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết, vườn cò nhà ông Quyển cũng phải đương đầu với nỗi lo để có thể bảo vệ được một trong những đàn cò lớn nhất cả nước này.

“Khu tập thể” của loài chim:


Ông giáo làng và vườn cò lớn nhất nước ImageView0
Một giống cò tại vườn của ông Quyển


Theo lời kể của ông Quyển thì vào năm 1982, khu vườn trồng tre, trám trước cửa nhà ông bỗng dưng có khoảng 500-600 con cò, vạc kéo về trú ngụ, và số cò, vạc về ngày càng đông. Ông vận động gia đình trồng thêm cây xanh, tạo môi trường cho cò trú ngụ. Cứ như vậy, hiện vườn cò nhà ông đã có hơn một vạn con với các loại: cò bi, cò ruồi, cò ngành nhỏ, vịt trời, cò đen, vạc… sống trên đồi bạch đàn diện tích hơn 2ha. Mỗi con nặng từ 400 gam - 800 gam. Thỉnh thoảng, bồ nông cũng kéo đến tụ họp, vườn cò của gia đình ông Quyển trở thành “khu tập thể” của loài chim.

Xung quanh khu vườn là những đồi vải, bạch đàn, keo… liên tiếp nhưng thật lạ, cò chỉ ở trong vườn nhà ông Quyển mà không đậu sang bất kỳ ngọn cây nào của nhà bên cạnh ngay cả khi bờ rào ranh giới của nhà ông với hàng xóm chưa được dựng lên. Cò ở một phía vườn, vạc ở một phía vườn. Mùa sinh sản của cò từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Do diện tích của vườn cây nhà ông Quyển có hạn nên đến thời điểm này, một nửa số cò lại di trú lên khu vực Hố Cao (xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang) để sinh sản. Hết mùa, cò lại kéo về nhiều hơn lúc đi, nhất là vào mùa đông. Mỗi cây bạch đàn cao hàng chục mét trong vườn có 6-7 tổ cò. Sáng ra, đàn cò rủ nhau đi kiếm ăn chiều tối lại kéo nhau về.

Trò chuyện về vườn cò, ông Quyển cho biết: “Trước cửa nhà tôi có hồ 7 mẫu, cạnh bờ hồ là rặng tre, rặng trám xanh tốt nên cò đến ở. Lâu rồi thành quen nên chúng kéo đến ngày một nhiều hơn. Có lần, hai con cò khi đi kiếm ăn bị dính bẫy dây keo, chúng mang cả đôi cánh bị dính về đậu trên vườn bạch đàn. Do bị dính keo nên hai chú cò cố đập cánh gỡ ra, cả đàn cò vài nghìn con sợ quá bỏ đi. Vườn nhà tôi vắng tanh. Hơn một tháng sau, đàn cò lại từ đâu trở về đông đủ và sinh sống như đã quen thuộc quá với khu vườn này”. Theo ông Quyển, cò tìm về với ông có lẽ vì ông bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn bắn trộm. Cò tìm đến người là vì vậy nhưng chúng cũng gây không ít phiền toái cho gia đình ông giáo làng suốt mấy chục năm qua.

Và những câu chuyện thú vị từ vườn chim :

Ông giáo làng và vườn cò lớn nhất nước ImageView
Đường vào vườn cò

Gắn bó với vườn cò hơn 20 năm qua, ông Quyển tích lũy rất nhiều câu chuyện thú vị về đàn cò. Ông kể chuyện về cò như đang kể về những người bạn tri kỷ của mình: “Có hôm tôi thấy một đôi vợ chồng cò bẻ cành cây làm tổ đẻ, một đôi vợ chồng cò trẻ khác đứng gần quan sát. Làm xong tổ, đôi kia đi kiếm ăn, thế là đôi cò trẻ ở lại, chồng cắp rác bên tổ cò vừa xây, vợ đan tổ ở một chỗ khác để đẻ. Chúng cũng “gian” phết đấy…”. Theo ông, vạc không bao giờ nhầm lẫn tổ của nhau khi đi kiếm ăn về, nhưng cò thì ngày nào cũng mất nửa tiếng “cãi nhau điếc cả tai” vì nhầm tổ, đánh nhau, cãi nhau kịch liệt.

Rồi ông bật mí: “Này, cò cũng như người ấy. Chúng đi ăn có một con đứng để quan sát kẻ địch, báo hiệu cho cả đàn. Còn khi đi ăn về, đàn về đầu tiên bao giờ cũng chưa đậu ngay xuống ngọn cây mà chúng còn chao lượn xem xét tình hình mãi mới đỗ. Nhưng những đàn sau thì cứ thế sà thẳng xuống. Mà cò vạc bay theo hình chữ V, hình cánh cung cũng là vì có con đầu đàn “chỉ huy” đấy”.

Ông kể say mê, vui vẻ và thư thái, còn chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi được nghe giống như những câu chuyện cổ tích, nhưng lại rất đời thường. Vừa nghe ông giáo làng kể chuyện, vừa ngẫm, câu chuyện ông kể về đàn cò đâu có gì mới lạ, ai cũng có thể nhìn thấy đàn cò bay hình chữ V, hình cánh cung nhưng có mấy ai để tâm đến và đặt câu hỏi vì sao, chúng lại bay như thế để lý giải. Chắc chỉ có ông Quyển, người sống “tình nghĩa” với đàn cò mới đi tìm và lý giải thấu đáo như vậy.

Kể xong những câu chuyện “bí mật”, ông Quyển cất tiếng gọi to “Cò…ò”, hàng chục con cò từ những ngọn cây gần đó bay về, chao liệng và đậu xuống ngọn bạch đàn rào rào. Chúng cũng cất tiếng gọi bầy và đập cánh làm lá bạch đàn rụng rơi lả tả. Ông Quyển bảo: “Đấy, thế này thì cây nào sống nổi với chúng? Tôi gọi chúng về để các anh chị được chứng kiến chúng tranh nhau tổ”.
Lần đầu tiên, chúng tôi được thấy nhiều cò đến thế. Con nào lông cũng trắng như bông tuyết. Ông Quyển chỉ từng con, con to không phải là cò già, con nhỏ kia không phải là cò mới được sinh ra. Nghe ông Quyển giải thích, chúng tôi hình dung đến những chú cò bố mẹ và cò con cũng giống như con người vậy. Đứa trẻ nào mới sinh ra cũng bụ bẫm và đáng yêu, còn người cha người mẹ nào cũng vì những năm tháng hy sinh nhọc nhằn cho con cái mà gầy mòn, mà già nua. Lần đầu tiên, giá trị nhân văn của những câu ca dao ví von con cò với hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trở nên ý nghĩa và thấm thía nhường ấy, nhờ những câu chuyện kể thú vị nhưng sâu sắc của ông giáo làng Đặng Đình Quyển.
..........................................._______________________________________...............................



Từ trung tâm huyện lỵ huyện Lạng Giang, ngược hướng tây bắc theo tuyến đường tỉnh lộ 295 khoảng 15km, đi qua địa danh lịch sử “Chiến khu Bừng” thuộc địa phận xã Tân Thanh, trong những năm kháng chiến chống Pháp, tiếp đến là quê hương của cây dã hương nghìn năm tuổi ở xã Tiên Lục, đi thêm chừng ba kilômét nữa, bạn sẽ đến vườn cò thôn Mỹ Phúc (xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang- Bắc Giang). Cả một khu vườn bạch đàn rộng chừng gần ba héc- ta, nơi trú ngụ của hàng ngàn con cò.

Nói là cò nhưng ở đây có nhiều loài như: Cò bợ, cò trắng, cò lửa,… Trong quần thể cò trắng cũng chia thành một nhóm cá thể điển hình gồm loại có mỏ đen, chân đen, to hơn cả nhưng số lượng ít, thường được gọi là cò trâu. Đông nhất phải kể đến loại có mỏ vàng, chân đen và loại có mỏ vàng, chân vàng, cổ mầu nghệ (còn gọi là cò ruồi). Hai loại cò này tuy nhỏ nhưng chiếm số lượng lớn trong đàn cò có mặt tại khu vườn.

Ngoài họ hàng nhà cò còn có một số loài thuộc bà con của nhà cò như: Vạc, cốc, giang…chứng tỏ tính đa dạng sinh học ở khu vườn cò này khá phong phú. Vào lúc sâm sẩm tối, đàn cò lũ lượt kéo về tổ ấm của mình, thôi thì đủ loại, con to, con nhỏ cùng ríu rít gọi bầy. Có lẽ bởi chúng phải xa nhau cả ngày đi kiếm ăn lặn lội vất vả ở mọi chân mộng, bãi sông…nên khi ánh ngày sắp tắt, ấy là lúc bản năng giống loài trỗi dậy, ấm áp, khát khao...

Nếu đứng ở ngoài nhìn vào vườn cò, bạn sẽ cảm giác như được đắm mình trong bức tranh thiên nhiên nhiều mầu sắc. Hoà quyện vào nhau giữa mầu trắng tinh khôi của cò trắng cùng với mầu vàng thẫm của các chú cò lửa, mầu nâu đốm trắng nền nã của cò bợ…Tất cả như được in trên nền xanh thẫm của cây vườn. Thật hạnh phúc biết nhường nào khi thiên nhiên đã ban tặng riêng cho mảnh đất này sự trong lành hiếm hoi…

Tuy là bà con của nhau ở chung một khu vườn, nhưng bản năng sinh tồn mỗi loài chim trời có những điểm trái ngược nhau thật đến lạ. Lúc loài cò trở về nơi tổ ấm của mình cũng là thời điểm loài vạc bắt đầu đi kiếm ăn. Bởi thế mà trong dân gian mới truyền tụng câu ca dao: “Con vạc mà đi ăn đêm…” Còn khi trời hửng sáng, lúc loài cò bắt đầu đi kiếm ăn thì loài vạc lại trở về nơi tổ ấm của mình, nên thường chúng chỉ chào gặp nhau trên đường (kẻ đi người về) bằng những tiếng kêu oạc, oạc, oạc…

Theo ông Đặng Văn Quyển, người chủ khu vườn bạch đàn có đàn cò về ở cho biết: Đàn cò cũng chỉ mới về ở khu vườn của gia đình ông nhận khoán chừng hơn 20 năm nay. Ban đầu chỉ có khoảng vài trăm con, nhưng không hiểu sao giống cò lại chọn khu vườn nhà ông Quyển làm nơi trú ngụ lâu dài. Ông tự nhủ đất nhà mình có gì đó yên lành, linh nghiệm lắm thì chúng mới về, cho nên ông đã không xua đuổi mà tiếp tục trồng thêm cây mới, cho lũ cò có một không gian sinh quyển hòa hợp.

Bất ngờ thay, từ lúc ấy, lũ cò, lũ vạc về ngày một đông hơn. Chúng sinh sôi nảy nở nhanh lắm, mùa sinh sản của chúng thường vào cữ tháng tư âm lịch hàng năm và đến nay số lượng đàn cò ước tính đã lên đến hơn chục nghìn con cò, vạc, cùng với một số loài chim hoang dã khác.

Ông Quyển bảo, gia đình tôi thường căn dặn các cháu trong nhà phải chú ý trông coi, ngăn chặn kịp thời những người đến săn bắn hoặc chặt phá cây ở khu vực vườn cò. Từ khi có đàn cò về khu vườn, hầu như ngày nào ông Quyển cũng dành thời gian đi một vòng để xem lũ cò, lũ vạc hôm đó có về đủ hay không, cũng là để quan sát và hiểu thêm đặc tính sinh trưởng của chúng.

Những người yêu quý và hiểu ý nghĩa của công việc, thán phục hành động của ông lắm. Nhất là khi nhà nước đang khuyến khích, bảo vệ chim thú hoang dã. Nhưng một mặt vì khu vườn tương đối rộng, mặt khác hàng rào bảo vệ khu vườn này, tuy đã được sở tài nguyên và môi trường địa phương cùng với gia đình ông Quyển chú trọng đầu tư, nhưng cũng không thể ngăn chặn triệt để được các hiện tượng xâm hại của một số kẻ coi sự tàn sát một cách bệnh hoạn lũ chim vô tội là thú vui tiêu khiển riêng mình.

Đầu năm 2002, đàn cò đột nhiên bay đi hết, nguyên do cũng chỉ tại có kẻ đặt bẫy. Một con cò bị mắc bẫy, kêu than thảm thiết mà không thoát, thế là cả đàn bỏ đi, nhưng hơn một tháng sau chúng bỗng lại trở về nơi tổ ấm cũ của mình.
Ai đến đây, thăm và quan sát vườn cò đều công nhận việc bảo tồn loài chim trời hiện đang có mặt tại khu vườn nhà ông Quyển là hết sức cấp thiết, cần được sự quan tâm hơn nữa của các cấp các ngành ở địa phương, cùng với sự đóng góp công sức của các nhà khoa học về môi sinh, môi trường.

Nếu có thể được, theo chúng tôi địa phương nên sớm có một dự án bảo tồn vườn cò, có hướng mở thêm diện tích, tiếp tục trồng thêm bạch đàn, đồng thời trồng bổ sung thêm cây vào khu vườn hiện tại, làm thêm hàng rào bảo vệ và tạo môi trường sinh thái phù hợp để cho cò trú ngụ, sinh trưởng và phát triển tốt. Mặt khác nên xem xét có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho chủ vườn cò để họ trực tiếp bảo vệ vườn cò trong điều kiện hiện nay.

Về lâu dài, ngành tài nguyên- môi trường, ngành du lịch địa phương nên có kế hoạch quy hoạch khu vườn cò trở thành một điểm tham quan du lịch sinh thái. Được như vậy, vườn cò Mỹ Phúc, cùng với cây dã hương nghìn tuổi, đình Phù Lão, thắng cảnh suối Mỡ…biết đâu sẽ trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thú vị, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong một tương lai gần.


Được sửa bởi anh.nguyen ngày 2010-02-03, 21:43; sửa lần 1.
anh.nguyen
anh.nguyen
Trung tá
Trung tá

Cung : Pisces - Song ngư
Lớp : 12A9
Khóa : 2001-2004
Nghề nghiệp : GV
Tổng số bài gửi : 369
Điểm bài viết : 1
Ngày tham gia : 09/07/2009

http://vn.360plus.yahoo.com/conmua25hoangda/

Về Đầu Trang Go down

Ông giáo làng và vườn cò lớn nhất nước Empty Vườn cò lớn nhất nước ở Bắc Giang lại được rao bán

Bài gửi by anh.nguyen 2010-02-03, 21:39

Hơn 10.000 con cò và 3.000 con vạc, bồ nông, giang đang trú ngụ tại “khu vườn yên tĩnh” của nhà ông Đặng Đình Quyển ở thôn Tân Phúc, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, Bắc Giang đang đứng trước nguy cơ bị “đổi chủ”. Ông Quyển rao bán vườn cò lớn nhất nước này vì không đủ sức trông nom sau gần 30 năm gắn bó.

Tiếc vẫn phải bán

Báo An ninh Thủ đô ra ngày 15 và 16-2-2008 có bài viết về vườn cò quý giá này, trong đó có đề cập đến việc ông Quyển có ý định bán vườn cò vì ông không đủ sức trông nom. Không ngờ, ý định đó lại trở thành sự thực khi ông Quyển gọi điện cho tôi nhờ hỏi xem ai có nhu cầu mua vườn cò thì giới thiệu giúp. Ông Quyển tâm sự: “Cò vạc bây giờ đẹp lắm, ai đến xem nhìn cũng thích. Bán đi tôi rất tiếc nhưng tôi không thể một mình trông nom. Có lần tôi ngủ trông cò ở đây mà lịm đi. Sáng ra không thấy tôi về, bà nhà vào tìm rồi đánh thức, tôi mới biết mình còn sống. Cò chỉ ở vườn nhà tôi mà không ở vườn nhà khác, đã có lần bỏ đi rồi lại quay về, bán đi, tôi thấy mình như phản bội chúng vậy”.
Ông giáo làng và vườn cò lớn nhất nước Dangquyen
Căn nhà vợ chồng ông Quyển tềnh toàng vì dành tiền chăm lo cho đàn cò từ mấy chục năm qua.

Sau những lần ốm đau bất ngờ như thế, gia đình ông Quyển càng thúc giục ông bán vườn cò sớm ngày nào hay ngày ấy. Bà Minh, vợ ông Quyển day dứt: “Ông ấy già rồi, không còn sức khỏe nữa nên phải rao bán thôi. Mỗi trận bão về, cò con rơi xuống vườn, tự tay tôi nhặt đưa chúng lên tổ, cứu sống con nào hay con ấy. Rao bán, hàng xóm nhìn vào người ta cũng cười bảo lúc thì giữ lấy được, lúc thì bán tống bán tháo. Tiền thì quý thật, nhưng nếu có ý định bán đi vì tiền thì chúng tôi đã bán từ lâu rồi, không đợi đến bây giờ nữa”.

Gần 30 năm hiến đất cát, cây cối, tiền bạc và công sức cho vườn cò, ông Quyển và gia đình mới nhận được sự hỗ trợ ít ỏi: Sở Khoa học - Công nghệ Bắc Giang hỗ trợ 8 triệu đồng làm hàng rào, một tổ chức của Đức hỗ trợ 45 triệu đồng xây dựng đài quan sát và lối đi, UBND huyện hỗ trợ 6 triệu đồng làm hai tấm biển “Cấm săn bắt chim thú” và giải thưởng Môi trường ông Quyển nhận ở Huế năm 2001 là 5 triệu đồng. Số tiền này không thấm tháp gì với số tiền hàng chục triệu đồng mỗi năm gia đình ông Quyển mất trắng vì cây cối không cho thu hoạch và tiền làm vệ sinh vườn, dọn dẹp cây cỏ, đảm bảo môi trường sống cho cò.

Mua bán chưa ngã ngũ
Ông giáo làng và vườn cò lớn nhất nước Daiquansat
Đài quan sát vườn có nhà ông Quyển xây dựng từ tiền hỗ trợ.

Kể từ khi rao bán đàn cò, gia đình ông Quyển đã tiếp rất nhiều đoàn khách đến hỏi mua. Ông Quyển mở sổ ghi chép ra đọc cho chúng tôi nghe: Hưng Yên 1 đoàn, Hà Nội 5 đoàn, Hải Phòng... Đoàn nào cũng đi 4-5 người vừa tham quan, vừa thương lượng, ngã giá đàn cò. Với ai, ông Quyển cũng hỏi họ mua đàn cò với mục đích gì. Ông phân trần: “Đáng lẽ, tôi đã bán thì họ làm gì mặc họ, miễn là được giá. Nhưng tôi tiếc và sợ rằng họ mua lại đàn cò với mục đích không lành mạnh, đàn cò sẽ nhanh chóng tan tác, cò sẽ nằm trên đĩa các quán nhậu ở thành phố lớn”.

Vườn cò rộng hơn 3ha này đã được trả giá từ 650 đến 800 triệu đồng nhưng ông Quyển chưa bán vì có người mua để phát triển thành vườn sinh thái, có người mua để có vườn hoa quả cho thu hoạch, người định xây nhà từ thiện, và thậm chí, có người còn đề cập thẳng thắn họ mua cò để làm thịt. Ông Quyển thẳng thắn từ chối vì theo ông: “Không thể thu hoạch hoa quả khi phân cò làm chết cây. Nếu muốn xây nhà từ thiện thì phải phá cây đi mới đủ diện tích, cò sẽ ở đâu? Có lẽ, họ nói với tôi như vậy để tôi đồng ý thôi, sau đó họ lại làm thịt lũ cò đấy. Người mua làm vườn sinh thái là hợp lý nhất nhưng họ trả giá thấp quá”, rồi ông Quyển vẫn dứt khoát: “Ai mua đàn cò với giá hơn 800 triệu đồng và phát triển thành vườn sinh thái, tôi bán”. Thật khó có thể đánh giá việc rao bán vườn cò của ông Quyển vì ông có công bảo vệ đàn cò gần 30 năm qua và bây giờ vẫn ngổn ngang suy nghĩ và lo âu cho tương lai của đàn cò.

Ông Quyển cho biết, chính thức từ tháng 10-2008, UBND huyện Lạng Giang sẽ có chế độ cho ông với mức lương 450.000 đồng/tháng. Chi phí xây dựng, trồng cây, cải tạo môi trường sống cho cò chưa thấy có kế hoạch. Trong khi Nhà nước luôn kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã thì dường như, hành động này đã muộn để khích lệ một người hết lòng bảo vệ môi trường. Lời rao bán của ông Quyển vẫn thể hiện trách nhiệm với đàn cò và cơ quan chức năng có biết để giúp sức bảo vệ đàn cò khi “đổi chủ”, đảm bảo môi trường sinh thái và để một người yêu thương cò như ông Quyển đỡ day dứt về việc rao bán vườn cò của mình.[center]
anh.nguyen
anh.nguyen
Trung tá
Trung tá

Cung : Pisces - Song ngư
Lớp : 12A9
Khóa : 2001-2004
Nghề nghiệp : GV
Tổng số bài gửi : 369
Điểm bài viết : 1
Ngày tham gia : 09/07/2009

http://vn.360plus.yahoo.com/conmua25hoangda/

Về Đầu Trang Go down

Ông giáo làng và vườn cò lớn nhất nước Empty Re: Ông giáo làng và vườn cò lớn nhất nước

Bài gửi by Hello 2010-02-05, 21:25

Cậu định rủ lớp mình vào vườn cò ah hay quyên góp tiền cho vườn cò?
Post bài báo này lên mà chẳng thấy comment gì cả.
avatar
Hello
Đại tá
Đại tá

Cung : Capricorn - Ma kết
Lớp : 10-11-12A9
Khóa : 2001-2004
Tổng số bài gửi : 854
Điểm bài viết : 9
Ngày tham gia : 25/06/2009

Về Đầu Trang Go down

Ông giáo làng và vườn cò lớn nhất nước Empty Re: Ông giáo làng và vườn cò lớn nhất nước

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết